Bằng cách ngăn trái tim của bạn đập quá chậm, máy tạo nhịp giúp bệnh nhân ngăn ngừa các triệu chứng như: mệt mỏi, đầu óc lâng lâng và ngất xỉu. Máy tạo nhịp có thể cho phép bạn trở lại với một cuộc sống năng động hơn bằng cách tùy chỉnh nhịp tim tự động phù hợp mức độ hoạt động của bạn.
Trở lại với cuộc sống thường ngày cũng đi kèm với một số thay đổi. Hãy tìm hiểu cách bạn có thể sống cuộc sống trọn vẹn và năng động khi vẫn giữ được an toàn cho bản thân.
TRỞ VỀ CUỘC SỐNG THƯỜNG NGÀY
Máy tạo nhịp được thiết kế để theo dõi và khắc phục tình trạng nhịp tim chậm của bạn giúp bạn năng động hơn trong cuộc sống. Ở đây, bạn sẽ tìm thấy những lời khuyên bổ ích để trở về cuộc sống thường nhật sau khi đặt máy. Vui lòng thảo luận với bác sĩ để có những hướng dẫn phù hợp nhất cho trường hợp của bạn.
Thể dục và thể thao
Năng động hơn đồng nghĩa với việc bạn cần thêm nhiều oxy cho cơ thể hơn so với một số việc như việc xem TV. Thông thường, trái tim của bạn sẽ tự đập nhanh hơn khi nhu cầu lưu lượng máu tăng. Nhưng đôi khi, nhịp tim của bạn không tự tăng lên và có thể phải cần sự trợ giúp của máy tạo nhịp. Hãy trao đổi với bác sĩ về mức độ hoạt động nào tốt nhất cho bạn.
Lái xe sau thủ thuật đặt máy
Được lái xe hay không còn phụ thuộc vào triệu chứng của bạn và luật ở địa phương của bạn. Thông thường, có máy tạo nhịp không có nghĩa là bạn không được lái xe, nhưng bạn nên nghỉ ngơi để hồi phục sau thủ thuật đặt máy. Đảm bảo rằng bạn đã hỏi ý kiến bác sĩ trước khi lái xe.
Hoạt động tình dục
Bạn có thể thắc mắc rằng liệu hoạt động tình dục sau khi đặt máy có an toàn không. Hoạt động tình dục an toàn đối với hầu hết người có đặt máy tạo nhịp. Bởi vì khi quan hệ, nhịp tim thường tăng lên bằng với khi bạn tập thể dục. Các bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện bài kiểm tra gắng sức để xác định nhịp tim của bạn tăng như thế nào nhằm cài đặt thông số máy tạo nhịp thích hợp.
Hầu hết bệnh nhân đều hạn chế quan hệ trong khoảng 1 tuần sau khi đặt máy. Khi vết mổ đang lành, bạn nên tránh dụng lực lên phần cánh tay khi quan hệ tình dục.
Trò chuyện với bác sĩ
Tình trạng của mỗi người đều khác nhau. Nên bạn cần phải hỏi bác sĩ về những hoạt động an toàn cho bạn.
Sử dụng công cụ và thiết bị gia dụng
Máy tạo nhịp được thiết kế có thể hoạt động bình thường khi ở gần hầu hết các loại công cụ và thiết bị gia dụng. Tuy nhiên, từ trường mạnh từ một vài thiết bị có thể gây nhiễu và khiến máy tạo nhịp hoạt động thiếu chính xác. Những ảnh hưởng này thường chỉ nhất thời. Nhưng chúng tôi vẫn khuyến khích bạn thực hiện theo hướng dẫn sau để bảo vệ an toàn sức khỏe.
BẠN NÊN BIẾT
- Máy tạo nhịp có chức năng chống nhiễu từ hầu hết các thiết bị, công cụ gia dụng.
- Một số thiết bị điện tử và thiết bị không dây nên được giữ khoảng cách với máy tạo nhịp của bạn.
Nhiễu điện từ (EMI) là gì?
Tất cả mọi thứ chạy bằng điện hoặc tín hiệu không dây đều có trường điện từ vô hình bao quanh chúng. Gây nên hiện tượng nhiễu điện từ (EMI).
Máy tạo nhịp có chức năng chống nhiễu từ hầu hết các thiết bị, công cụ gia dụng. Dù vậy, bạn nên giữ khoảng cách khi sử dụng một số thứ và có vài thiết bị bạn nên tránh hoàn toàn.
An toàn để sử dụng bình thường
Người có gắn máy tạo nhịp có thể sử dụng bình thường những vật dụng sau miễn là chúng vẫn hoạt động bình thường không hỏng hóc:
- Máy lọc không khí
- Máy trộn
- Đầu đĩa CD/DVD
- Máy giặt
- Chăn điện
- Dụng cụ mở hộp chạy bằng điện
- Lưới điện vô hình
- Miếng giữ ấm
- Bồn tắm
Lưu ý: Liên hệ bác sĩ trước khi sử dụng bồn tắm. Nhiệt độ không làm hại máy nhưng có thể ảnh hưởng đến bệnh tình của bạn
- Game bắn laser
- Lò vi sóng
- Lò nướng
- Máy nhắn tin
- Máy báo động
- Máy tính cá nhân
- Thiết bị kỹ thuật số hỗ trợ cá nhân (PDAs)
Lưu ý: PDAs bao gồm cả điện thoại di động nên được sử dụng cách xa máy tạo nhịp tối thiểu 15 cm
- Radio, máy chụp ảnh, máy quay phim
- Bếp lò
- Giường tắm nắng bằng điện
- Tivi
- Máy hút bụi
- Đầu băng
- Máy chơi game
An toàn sử dụng khi giữ khoảng cách
An toàn để sử dụng những vật dụng sau miễn là không để chúng tiếp xúc trực tiếp với máy tạo nhịp của bạn:
- Điện thoại không dây (gia dụng)
- Dao cạo chạy bằng điện
- Máy phát nhạc MP3 và đa phương tiện (iPods) không có chức năng của điện thoại di động
Lưu ý: tai nghe cũng nên giữ khoảng cách 15 cm đối với máy tạo nhịp. Bạn cũng không nên vòng dây tai nghe xung quanh cổ.
Giữ khoảng cách tối thiểu 15 cm đến máy tạo nhịp khi sử dụng những vật dụng sau:
- Điện thoại di động, bao gồm PDAs và máy MP3 có chức năng nghe gọi
- Thiết bị đang thu phát Bluetooth hoặc sóng Wi-Fi
- Tai nghe
Lưu ý: Bạn không nên quấn tai nghe xung quanh cổ hoặc bỏ tai nghe vào túi áo.
Giữ khoảng cách tối thiểu 30 cm đến máy tạo nhịp khi sử dụng những vật dụng sau:
- Dụng cụ điện không dây dùng pin
- Máy cưa
- Máy khoan có dây và dụng cụ điện
- Máy cắt cỏ
- Máy thổi lá
- Điều khiển từ xa có ăng-ten
- Dụng cụ (máy khoan, máy cưa bàn, v.v.)
- Máy đánh bạc
- Máy thổi tuyết
- Loa âm thanh
Giữ khoảng cách tối thiểu 60 cm đến máy tạo nhịp khi sử dụng những vật dụng sau:
- Máy hàn điện
- Đài của cảnh sát
- Động cơ và máy phát điện của phương tiện di chuyển
Lưu ý: Máy phát điện tạo ra vùng từ trường mạnh gây ảnh hưởng đến máy tạo nhịp. Nhưng bạn vẫn an toàn ở vì trí ngồi hoặc lái xe.
Sử dụng điện thoại di động một cách an toàn
Điện thoại di động là nguồn gây nhiễu và có thể tạm thời ảnh hưởng đến máy tạo nhịp của bạn. Ngay khi bạn đưa điện thoại ra xa, máy tạo nhịp sẽ hoạt động bình thường trở lại.
- Giữ khoảng cách tối thiểu 15 cm từ điện thoại di động đến máy tạo nhịp. Nếu điện thoại phát ra hơn 3W, giữ khoảng cách tối thiểu 30 cm
KHÔNG an toàn khi sử dụng
Những vật dụng sau không an toàn nếu bạn có đặt máy tạo nhịp:
- Máy đo lường lượng mỡ trong cơ thể
- Búa khoan
- Thảm và ghế từ
- Súng điện
DU LỊCH KHI MANG MÁY TẠO NHỊP
Bạn hoàn toàn có thể đi du lịch khi đang mang máy tạo nhịp miễn là bạn biết cách chuẩn bị và xin lời khuyên của bác sĩ trước khi đi. Tìm hiểu thêm về việc đi qua cổng an ninh sân bay, và các mẹo khác để có một chuyến đi tốt đẹp.
Đi qua công an ninh sân bay
Để quá trình này suôn sẻ hơn, bạn hãy nhớ đưa thẻ chứng nhận đặt máy ở cổng an ninh đầu tiên. Thẻ này giúp chứng minh là bạn có đặt máy tạo nhịp. Tùy vào sân bay, nhân viên an ninh có thể sẽ:
- Đưa bạn đến máy quét toàn thân: Máy dò AIT toàn thân không gây hại đến máy tạo nhịp của bạn hoặc làm thay đổi cài đặt máy.
- Dùng máy dò cầm tay: Nếu tiếp xúc với máy tạo nhịp quá lâu có thể tạm thời ảnh hưởng đến máy. Bạn nên nhờ nhân viên an ninh xử lý nhanh quá trình này và đừng quét vào máy tạo nhịp.
- Kiểm tra bằng tay: Bạn có thể yêu cầu nhân viên an ninh đến một nơi kín đáo để thực hiện kiểm tra bằng tay.
Lưu ý: Máy dò toàn thân sẽ hiển thị máy tạo nhịp của bạn nhưng không báo động lên.
Thẻ chứng minh thiết bị y tế
Bạn luôn nên mang theo thẻ chứng nhận đặt máy theo bên mình dù là bất cứ đâu. Trong những tình huống nguy cấp, chiếc thẻ này sẽ nói cho nhân viên y tế hoặc nhân viên an ninh biết rằng bạn có đặt máy tạo nhịp.
Thảo luận với bác sĩ
Tình trạng của mỗi người mỗi khác nhau. Vì thế việc thảo luận với bác sĩ trước chuyến đi là rất quan trọng.
CÁC QUY TRÌNH Y TẾ VÀ NHA KHOA
Một số quy trình y tế và nha khoa có thể gây hại hoặc làm ảnh hưởng đến máy tạo nhịp. Tìm hiểu thêm về những quy trình bên dưới, hãy nhớ báo với bác sĩ tim mạch của bạn và nha sĩ để được tư vấn thêm về cách bảo vệ bạn và máy tạo nhịp của bạn.
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Bệnh nhân đặt máy tạo nhịp thường cần chụp cộng hưởng từ (MRI), nhưng đôi khi không thể vì từ trường có thể làm hỏng máy.
Chụp MRI là biện pháp sử dụng nam châm mạnh và sóng vô tuyến để cung cấp hình ảnh về cơ thể bệnh nhân. Bạn vẫn có thể chụp MRI khi mang máy tạo nhịp có hỗ trợ MRI. Hỏi bác sĩ để biết thêm về máy tạo nhịp của bạn.
Nếu máy tạo nhịp của bạn không tương thích với MRI thì bạn không nên chụp MRI. Luôn phải hỏi bác sĩ rằng bạn có được chụp MRI hay không.
Bệnh viện thường đặt thiết bị MRI trong phòng có ký hiệu nam châm. Bạn không được vào phòng đó trừ khi bác sĩ đã cho phép bạn chụp MRI.
Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện những quy trình sau:
Điều trị nhiệt điện
Bạn không nên thực hiện điều trị nhiệt điện. Phương pháp này sử dụng điện từ trường để gia tăng nhiệt độ mô cơ thể, điều này có thể làm tổn hại đến máy tạo nhịp.
Đốt điện
Phương pháp đốt điện được sử dụng trong quá trình phẫu thuật để cầm máu vết mổ.
Điện phân và nhiệt phân
Biện pháp da liễu này truyền dòng điện vào trong da.
Khử rung ngoài
Phương pháp này sử dụng trang thiết bị để thực hiện một cú sốc vào tim bạn nhằm khôi phục nhịp tim bình thường, thường được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Khử rung ngoài gây ảnh hưởng đến máy tạo nhịp nhưng có thể áp dụng nếu cần thiết. Hãy đảm bảo rằng bạn liên hệ vói bác sĩ sau khi thực hiện khử rung ngoài để chắc chắn rằng máy tạo nhịp vẫn hoạt động tốt.
Xạ trị điều trị ung thư
Phương pháp chữa ung thư này có thể gây ảnh hường đến máy tạo nhịp. Báo với bác sĩ tim mạch và bác sĩ thực hiện xạ trị trước khi thực hiện.
Kích thích thần kinh bằng xung điện qua da
Thiết bị kiểm soát cơn đau mãn tính này có thể làm ảnh hưởng máy tạo nhịp.
Các quy trình không làm ảnh hưởng máy tạo nhịp
Phần lớn quy trình nha khoa không làm ảnh hưởng máy tạo nhịp của bạn. Một vài ví dụ như:
- Khoan và dụng cụ vệ sinh nha khoa
- Chẩn đoán X-quang
- Chẩn đoán siêu âm
- Chụp quang tuyến vú
Lưu ý: Chụp xquang tuyến vú không làm cản trở máy tạo nhịp của bạn. Nhưng máy tạo nhịp có thể bị hỏng nếu bị nén trong máy chụp. Hãy báo cho bác sĩ hoặc nhân viên kỹ thuật biết rằng bạn có đặt máy tạo nhịp.
- Máy ECG
- Chụp CT
Báo cho bác sĩ
Hãy nhớ báo cho bác sĩ hoặc nha sĩ của bạn rằng bạn có đặt máy tạo nhịp trước khi trải qua các quy trình y tế hoặc quá trình phẩu thuật. Họ có thể liên hệ với bác sĩ quản lý máy tạo nhịp của bạn để có phương pháp chữa trị tốt nhất.
TĂNG CƯỜNG SỨC KHỎE TIM MẠCH
Sống chung với bệnh lý về tim không đơn thuần chỉ là mang máy tạo nhịp và uống thuốc. Việc thay đổi một chút trong lối sống cũng ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe tim mạch của bạn.
Duy trì cân nặng hợp lý
Một trong những cách để hạn chế triệu chứng bệnh tim chính là duy trì cân nặng ở mức vừa phải. Bạn có thể thực hiện đo chỉ số BMI để biết tình trạng cân nặng của bạn có hợp lý hay chưa.
Bạn cũng có thể đo vòng eo, nếu số đo vòng eo của bạn lớn hơn 35 inches (đối với nữ và 40 inches đối với nam), khi đó bạn đang có nguy cơ bị béo phì.
Hướng dẫn cách đo chỉ số vòng eo
- Đứng thẳng và đặt đầu thước dây cố định tại đỉnh xương hông, sau đó quấn thước dây quanh vòng eo, ngang mức rốn.
- Hãy chắc chắn thước dây quấn không quá chặt và thẳng ngay cả ở phía sau lưng. Bạn không được nín thở trong khi đo.
- Kiểm tra số đo trên thước dây ngay sau khi thở ra.
Chỉ số BMI và số đo vòng eo có thể giúp bạn biết được sơ bộ tình trạng của cơ thể, nhưng chỉ có những chuyên gia về sức khỏe mới có thể biết được chi tiết và đánh giá được rủi ro cho bạn. Nên hãy hỏi ý kiến bác sĩ về cân nặng hợp lý cho bản thân bạn.
Chế độ dinh dưỡng cân bằng
Chỉ vài thay đổi nhỏ cũng tạo nên một sự khác biệt lớn cho sức khỏe trái tim của bạn. Bạn có thể bắt đầu với những bước sau và lắng nghe ý kiến bác sĩ để có một chế độ dinh dưỡng tốt hơn cho tim mạch.
- Ăn thêm các loại ngũ cốc
- Ăn thêm rau củ quả
- Cắt giảm lượng đường và muối
- Hạn chế thức ăn giàu chất béo như thịt đỏ, phô mai, các loại bánh nướng
- Giảm lượng chất béo khó hấp thụ như chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa như bơ và thay bằng các loại chất béo không bão hòa như dầu hướng dương, đậu nành, ngô và ô liu.
Hoạt động nhiều hơn
Dù cho bạn không thể thực hiện những bài tập thông thường, hãy cứ bắt đầu với những bài tập nhỏ và tăng dần mức độ hoạt động của bản thân lên. Điều này giúp bạn thu gọn vòng eo và giúp trái tim bạn khỏe mạnh hơn.
- Đỗ xe ở vị trí càng xa cửa càng tốt hoặc dừng ở trạm xe buýt xa hơn để có thể đi bộ được nhiều hơn.
- Đi thang bộ thay vì thang máy.
- Xây dựng thói quen năng động hơn. Ví dụ như đi chơi bowling hoặc đạp xe đạp thay vì đi xem phim.
- Đi bộ với gia đình hoặc bạn bè sau khi ăn tối xong.
Luôn nhớ hỏi ý kiến bác sĩ xem rằng bạn có phụ hợp với các hoạt động ấy hay không.
Từ bỏ thói quen hút thuốc
Hút thuốc có hại cho tim mạch của bạn. Nó làm tăng nguy cơ bị bệnh tim và đột quỵ lên gấp hai đến bốn lần bình thường. Thuốc lá còn làm giảm đi lượng cholesterol HDL có lợi trong cơ thể, làm tăng lượng máu đông khiến cơ thể bạn khó hoạt động hơn. Tin tốt là những tổn thương này thường được phục hồi rất nhanh nếu bạn chịu bỏ thuốc lá cho dù bạn đã hút lâu thế nào đi nữa.
Giảm căng thẳng
Căng thẳng khi không được kiểm soát có thể ảnh hưởng cục bộ đến sức khỏe của bạn và gây nên các tác động xấu như:
- Tăng nhịp tim
- Tăng huyết áp
- Gây nên rối loạn nhịp
- Tăng nồng độ cholesterol
- Gây tổn thương động mạch
- Gây nên các bệnh về động mạch phổi
- Làm suy yếu hệ miễn dịch
Hơn nữa, nhiều người còn có thêm những thói quen xấu khi chịu ảnh hưởng bởi áp lực, như hút thuốc, uống nhiều đồ uống có cồn hay ăn uống quá độ. Tất cả những điều trên đều khiến bạn tăng nguy cơ bị đột quỵ và mắc các bệnh về tim mạch.
Vài cách đơn giản nhưng hiệu quả giúp giảm căng thẳng
- Cười nhiều hơn: Nghiên cứu cho thấy cười nhiều hơn giúp bạn giảm căng thẳng thông qua việc giảm huyết áp, thư giãn cơ bắp và làm tăng hệ miễn dịch. Thế nên hãy tập cười nhiều hơn mỗi ngày.
- Dành thời gian cho việc thư giãn: Tập ngồi thiền và hít thở sâu, có rất nhiều cách để thư giãn đầu óc. Hãy tìm phương pháp thư giãn phù hợp với bạn nhất và biến nó thành thói quen.
- Viết nhật ký: Ghi chú lại những điều khiến bạn căng thẳng và tìm cách tránh chúng.
Hoạt động của máy tạo nhịp tim Hồi phục sau đặt máy tạo nhịp tim
Một bình luận