Hồi phục sau đặt máy tạo nhịp tim
Bạn sẽ phải nhập viện vài ngày sau khi đặt máy. Sau đó bác sĩ sẽ lập trình máy tạo nhịp cho phù hợp với nhu cầu trước khi bạn về nhà.
Cần vài ngày đến vài tháng để hồi phục hoàn toàn sau ca mổ. Lưu ý hỏi ý kiến bác sĩ nếu có bất kỳ thay đổi gì về lối sống hằng ngày và hoạt động bình thường.
BẠN NÊN NHỚ
- Nghỉ ngơi sau khi mang vác vật nặng hoặc bị va chạm mạnh
- Gọi cho bác sĩ ngay nếu có biểu hiện sưng, tấy hoặc có mủ xung quanh vết mổ; nhịp tim của bạn rơi xuống thấp hơn mức tối thiểu của máy tạo nhịp hoặc khi bạn bị sốt lâu hơn 2-3 ngày liên tiếp.
- Luôn mang theo thẻ chứng nhận đặt máy.
HƯỚNG DẪN PHỤC HỒI SAU ĐẶT MÁY TẠO NHỊP
Sau khi hồi phục hoàn toàn, máy tạo nhịp sẽ giúp bạn trở về với cuộc sống năng động. Nhưng cần lưu ý những điều sau:
- Khi khám chữa trị, báo với tất cả bác sĩ, nha sĩ của bạn rằng bạn có đặt máy tạo nhịp và cho họ xem thẻ chứng nhận đặt máy.
- Đi bộ, tập thể dục, tắm rửa theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Không mặc quần áo quá bó sát vùng da xung quanh máy.
- Tránh cọ xát vùng máy và vùng ngực gần máy.
- Hỏi ý kiến bác sĩ khi muốn làm những việc có thể gây nguy hiểm cho người khác khi bạn mất tỉnh táo như: lái xe, bơi lội, leo thang,…
- Tiếp tục dùng thuốc theo toa bác sĩ.
- Tránh hoạt động nặng phần cánh tay.
SINH HOẠT VÀ TẬP THỂ DỤC
Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể về mức độ sinh hoạt của bạn, bao gồm:
- Tránh hoạt động nặng, đặc biệt là mang vác và các hoạt động khác sử dụng phần thân trên. Dây điện cực cần thời gian để cố định vào mô tim và hồi phục.
- Tránh tác động mạnh gây ảnh hưởng đến vùng đặt máy.
- Hạn chế di chuyển cánh tay nếu bác sĩ dặn.
- Tránh mang vác vật nặng cho đến khi bác sĩ cho phép.
Luôn luôn mang thẻ chứng nhận đặt máy theo bên mình. Trong trường hợp nguy cấp, thẻ này sẽ giúp nhân viên y tế và nhân viên an ninh biết bạn có đặt máy tạo nhịp.
- Bạn sẽ nhận được thẻ chứng nhận tạm thời sau khi đặt máy.
- Khoảng 6-8 tuần sau khi đặt máy bạn sẽ nhận được thẻ chính thức.
Thẻ chứng nhận đặt máy có ghi tên bạn, tên bác sĩ, số điện thoại và thông tin dây, máy tạo nhịp.
KIỂM TRA MÁY ĐỊNH KỲ
Hầu hết máy tạo nhịp có thể được kiểm tra từ xa. Giúp bác sĩ quan sát nhịp tim, tình trạng máy tạo nhịp, thay đổi cài đặt máy khi cần thiết và theo dõi pin máy.
Công nghệ từ xa giúp bạn ít phải đến bác sĩ hơn. Nhưng bạn vẫn phải gặp bác sĩ theo lịch hẹn để bác sĩ điều chỉnh máy tạo nhịp sao cho phù hợp với sinh hoạt của bạn. Mỗi lần kiểm tra máy kéo dài khoảng 20 phút.
KHI NÀO NÊN GỌI CHO BÁC SĨ?
Gọi cho bác sĩ khi:
- Nhịp tim rơi xuống thấp hơn nhịp tim cho phép của máy tạo nhip.
- Có các triệu chứng bất thường về nhịp tim mà bác sĩ đã cảnh báo.
- Vết mổ bị sưng, tấy, chảy mủ.
- Bị sốt lâu hơn 2-3 ngày.
- Có bất kì câu hỏi nào liên quan đến thiết bị, nhịp tim, thuốc.
- Dự định đi xa dài ngày hoặc chuyển đi nơi khác để có kế hoạch thăm khám thích hợp.
- Để ý những dấu hiệu bất thường, ví dụ như các triệu chứng mới hoặc triệu chứng đã gặp phải trước khi đặt máy.